Nông dân mong tham gia Đề án 1 triệu ha lúa
Đồng Tháp Tham gia vào mô hình, nông dân giảm 30% chi phí sản xuất, đặc biệt đã hình thành rõ hơn các cơ chế liên kết sản xuất và giúp làm lúa có lời.
Cánh đồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp đầu tiên trên thế giới
Hiểu đúng mục tiêu Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Sóc Trăng khuyến khích nông dân tham gia trồng lúa giảm phát thải
Nông dân được thưởng tiền mặt khi trồng lúa giảm phát thải
Lúa giảm phát thải giá cao hơn 100 – 150 đồng/kg
Ngày 29/8, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã trực tiếp đến tham quan thực địa mô hình sản xuất lúa theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” tại HTX Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Đây là HTX đầu tiên thí điểm Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” tại tỉnh Đồng Tháp trên diện tích 43ha, với 20 hộ dân tham gia. Mô hình thực hiện trong vụ thu đông năm 2024, giống lúa OM18, áp dụng quy trình canh tác bền vững (sạ cụm, sạ hàng kết hợp vùi phân, giảm giống còn 65 – 70kg/ha, quản lý nước ngập – khô xen kẽ).
Nông dân tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí vật tư như giống, phân bón, chế phẩm Trichoderma phân hủy rơm rạ, công ứng dụng cơ giới hóa (máy sạ cụm/sạ hàng khí động học), drone phun thuốc. 50% chi phí còn lại là nguồn xã hội hóa như giống, phân bón, công sạ cụm, chi phí đánh giá phát thải khí nhà kính, hội thảo đầu bờ (được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty TNHH Tư Sang, Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam tài trợ).
Hiện nay, cánh đồng nằm trong Đề án sản xuất lúa giảm phát thải của HTX Thắng Lợi dự kiến còn khoảng 20 – 25 ngày nữa sẽ thu hoạch và ước năng suất bình quân đạt 6,5 – 6,9 tấn/ha.
Những nông dân trong mô hình được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 100 – 150 đồng/kg. Ước lợi nhuận mô hình cao hơn 2,2 triệu đồng/ha so với đối chứng. Đặc biệt thu nhập tăng thêm từ 800.000 – 900.000 đồng/ha so với đối chứng từ việc bán rơm sau thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, bước đầu nông dân trong HTX đã có sự đồng thuận rất cao trong việc thực hiện mô hình với các quy trình canh tác mới (giảm giống, phân, thuốc, bón phân vùi, ghi chép sổ sách…). Dự kiến lúa sản xuất trong mô hình sẽ giảm được khoảng 30% chi phí. Hiện HTX đã ký kết với đơn vị liên kết bao tiêu đầu ra với giá thị trường cộng thêm 100 đồng/kg. Từ hiệu quả đó, nhiều nông dân đã đăng ký tham gia thêm vào mô hình, dự kiến vụ đông xuân 2024 – 2025, HTX sẽ tăng diện tích sản xuất lên 150ha.
“Cách canh tác lúa nằm trong Đề án giúp nhiều nông dân trong HTX Thắng Lợi cảm thấy rất phấn khởi, tin tưởng vào hiệu quả của Đề án mang lại vì áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng, “1 phải 5 giảm” và ứng dụng công nghệ 4.0 vào đồng ruộng giúp giảm chi phí”, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi khẳng định.
Ông Đặng Tấn Đạt, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi lần đầu tiên có 2ha tham gia canh tác lúa giảm phát thải phấn khởi chia sẻ: “Nhiều năm nay tôi canh tác lúa theo phương thức truyền thống thường gặp rủi ro về sâu bệnh, phải bỏ ra nhiều chi phí cho vụ lúa, cuối vụ phải lo lắng giá cả và đầu ra sản phẩm.
Rất mừng trong vụ lúa thu đông năm nay được ngành nông nghiệp tỉnh chọn triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa giảm phát thải, giúp giảm chi phí đầu vào rất nhiều. Trong đó phải kể đến khâu giảm lượng lúa giống gieo sạ hơn 30%, phân bón và thuốc BVTV giảm 50%, giảm công lao động từ 10 – 15% so với canh tác truyền thống. Vụ lúa này đạt năng suất trên 6,5 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ năm rồi 300kg/ha.
Nông dân tự nguyện xin tham gia Đề án
Ở góc độ doanh nghiệp hỗ trợ mô hình, bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng cho biết: Công ty tham gia ở phần đưa máy sạ cụm vào Đề án. Đây là những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, vai trò của Công ty là giúp bà con nông dân giảm lượng giống gieo sạ, tức không chỉ giúp giảm chi phí giống mà còn giảm chi phí thuốc BVTV và phân bón.
Cụ thể tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, máy sạ cụm của Sài Gòn Kim Hồng hỗ trợ miễn phí cho mô hình với công thức gieo sạ 65kg giống/ha, giảm từ 2 – 3 lần lượng giống so với nông dân trước đây sạ theo truyền thống. Việc giảm giống, phân bón và thuốc BVTV không làm giảm năng suất lúa của bà con nông dân.
Trong canh tác mô hình của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã tài trợ 50% chi phí về phân bón.
Ông Phan Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: Với phương châm luôn là người bạn đồng hành của nhà nông, Bình Điền đã tham gia tích cực vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Bộ NN-PTNT. Đề án đặt mục tiêu phải giảm được từ 30% lượng phân bón, đã thúc đẩy doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu, cho ra những sản phẩm phù hợp. Và trong các chương trình liên kết, liên doanh với các đối tác, Bình Điền đáp ứng được yêu cầu này.
Cụ thể như trong chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu mà Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị đối tác khác ứng dụng phương pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân, đã giúp nông dân đạt được hiệu quả kinh tế cao và góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục tổ chức canh tác lúa thông minh tại 5 tỉnh ở ĐBSCL. Trong đó có việc cuốn rơm rạ, băm rơm rạ và ứng dụng chế phẩm xử lý nhanh rơm rạ thành phân hữu cơ ngay tại ruộng hoặc làm giá thể cho nhiều loại cây trồng.
Theo ông Nguyễn Trường Vương, Giám đốc Phát triển Quan hệ đối tác, Bayer Việt Nam, về phía Bayer Việt Nam là đơn vị hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và cung cấp giải pháp bảo vệ thực vật cho mô hình với Giải pháp Bội thu cây lúa (Bayer Much More Rice) bằng các sản phẩm thuốc xử lý giống, quản lý cỏ dại, lúa cỏ, thuốc trừ sâu bệnh chất lượng và hiệu quả được chứng minh trên mô hình, số lần xử lý thuốc ít hơn khoảng 2 lần (chỉ 5 – 6 lần phun) so với tập quán canh tác truyền thống. Điều này đã có những đóng góp hết sức thiết thực trong việc hoàn thiện gói giải pháp tổng thể cho Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam sau khi khảo sát cánh đồng thí điểm cho rằng, bước đầu có tín hiệu mừng là nông dân tự nguyện xin vào tham gia Đề án.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý mô hình cần xây dựng hoàn chỉnh để sau này nhân rộng ra với tính chất nông dân tự lực tham gia, chứ không phải nhà nước hỗ trợ hoàn toàn. Nhà nước chủ yếu hỗ trợ hạ tầng thủy lợi, còn tất cả người dân tự làm, tự thấy lợi ích tham gia. Bên cạnh đó, tham gia vào mô hình nông dân giảm 30% chi phí sản xuất. Đặc biệt đã hình thành rõ hơn các cơ chế liên kết sản xuất và làm lúa giảm phát thải chắc ăn, có lời.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý thêm, các đơn vị thực hiện mô hình cần theo dõi, ghi chép, xây dựng quy trình canh tác, tập hợp thành bộ tài liệu cụ thể. Qua đó làm cơ sở rút kinh nghiệm, tập huấn cho đội ngũ khuyến nông nhân rộng ra toàn tỉnh. Ngoài ra, chú trọng công tác tập huấn cho lực lượng nông dân, HTX, tổ khuyến nông cộng đồng hiểu rõ về quy trình canh tác để thực hiện tại địa phương.
Bạn đang đọc bài viết Nông dân mong tham gia Đề án 1 triệu ha lúa tại chuyên mục Thời sự Nông nghiệp của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0369024447.