Người Đưa Công Nghệ Sạ Cụm Về Việt Nam

Ngày trước, thất bại với chị Hè là khi trình diễn máy, nông dân nghi hoặc: ‘Sạ thưa thế này lấy gì mà ăn?’. Bây giờ, có lúc họ chê: ‘Sạ thế này dày quá!’

  • Nông nghiệp là “Nghề tay trái”

Trước khi bắt đầu kinh doanh, nhập khẩu máy móc nông nghiệp từ Hàn Quốc, chị Đào Thị Như Hè – Giám đốc Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng (Sài Gòn Kim Hồng) là thông dịch viên tiếng Hàn. Chị có khả năng giao tiếp tiếng Hàn tốt, bắt đầu hợp tác với các đối tác, công ty Hàn Quốc để đưa máy móc nông nghiệp về Việt Nam.

Chị Như Hè cho biết: “Những ngày đầu tiên có nhiều khó khăn lắm, vì tôi đâu có được học nghề cơ khí nông nghiệp bài bản! Tôi chưa từng biết vặn con ốc, cờ lê, mỏ lết là thế nào. Công ty nhập máy móc từ nước ngoài, nhưng chưa có nhiều kinh phí nên chỉ nhập máy cũ. Đến khi máy về tới Việt Nam mới biết không dùng được, nhiều phần ốc đã trờn, cũ”.

Bản thân nữ giám đốc không có cơ hội được đào tạo chính thức từ bất kỳ tổ chức, trường lớp nào, cũng như các khóa chuyên sâu về quản trị kinh doanh. Chị Hè tự học, lấy kinh nghiệm từ công việc hàng ngày, từ chính những người nông dân chị làm việc cùng.

“Hồi đó, công ty thiếu vốn, có bao nhiêu đã đầu tư vào nhập khẩu máy móc rồi, thật sự nan giải”, chị kể.

Chẳng có cách nào để đưa chuyên gia cơ khí Hàn Quốc về Việt Nam sửa máy, nữ doanh nhân bèn lấy cuốn hướng dẫn sử dụng máy gặt từ nhà xuất khẩu. Trong cả một tháng trời, chị Hè đóng cửa, chỉ ngồi ở nhà dịch sách từ tiếng Hàn sang tiếng Việt. Chị tìm tòi, nhờ những người xung quanh hướng dẫn và tự tay sửa máy.

“Đến lúc mình hiểu được các bộ phận của máy là tôi nhập tâm luôn! Từ cái máy hỏng, mình sửa cho nó chạy được từ sáng đến chiều là tôi “ghiền” luôn đó”.

Ngày đó, Sài Gòn Kim Hồng bán chiếc máy gặt cho Trại giống huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Lúc mua về, máy bị trục trặc. Trưởng trại là người có chuyên môn cơ khí. Vậy mà ông không tìm được nguyên nhân máy lỗi, thuê thợ về sửa từ sáng tới chiều vẫn chưa xong.

Người trại trưởng phải gọi điện thoại tới chị Hè. Hiểu nguyên lý hoạt động, chị “bắt bệnh” cho máy, xác định lý do máy không chạy là vì máy ngậm rơm, dây curoa không trơn. Trao đổi khoảng 15 phút, chị hướng dẫn người nông dân từng bước gỡ rơm, sửa máy.

“Ảnh nói một câu mà đó là động lực của tôi cho tới bây giờ: Nói thật với cô Hè, tôi phục cô sát đất. Từ trước đến giờ, đây là lần đầu tôi học cơ khí từ một người phụ nữ”, chị Hè kể về dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp.

  • Nhập khẩu máy móc là để giúp đỡ gia đình

Giám đốc Sài Gòn Kim Hồng đến với nông nghiệp là cái duyên; lý do ban đầu đến từ cuộc sống làm nông đầy vất vả của bố, mẹ. Chị kể: “Mỗi khi mùa gặt đến, công việc thu lúa từ dưới ruộng lên cho trâu đạp đòi hỏi sức lao động lớn. Để giảm bớt khó khăn cho gia đình, tôi quyết định nhập khẩu 3 chiếc máy gặt về sử dụng tại nhà”.

Tuy nhiên, nhìn thấy những lợi ích mà máy móc mang lại, chị Hè không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ gia đình mình. Sự hỗ trợ và động viên từ gia đình, bạn bè khiến chị bắt đầu nảy sinh ý tưởng theo đuổi nghề nông nghiệp. Ý tưởng về cơ giới hóa đã bắt đầu ấp ủ trong tâm hồn chị, đánh dấu bước khởi đầu cho sự sáng tạo và lòng đam mê không ngừng trong sự nghiệp của mình.

Năm 2008, Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng được thành lập. Ngoài máy gặt đập liên hợp, nữ doanh nhân còn nhập khẩu máy cấy về các tỉnh miền Bắc. Đầu tư dây chuyền cho máy cấy cực kỳ tốn kém, khoảng 800-900 triệu. Sau khi gieo mạ xong, cần 7-8 người để tập trung chăm sóc mạ. Như vậy, lợi nhuận sau đầu tư chỉ khoảng 500.000 đồng/mẫu ruộng.

Đến năm 2012, Sài Gòn Kim Hồng chuyển sang mô hình cấy dịch vụ nhưng cũng đối mặt nhiều thất bại. Chị Hè tâm sự: “Vì cơ giới hóa nên ruộng cấy thưa, nông dân bảo như vậy thì không có gì mà ăn. Đi đến đâu cũng lỗ, nhưng tôi vẫn kiên trì làm việc liên tục trong 3-4 năm. Những hôm rét đậm, rét hại, nhân viên công ty phải ngủ ngoài ruộng, đốt lửa sưởi ấm cho mạ. Vất vả mà không có lợi nhuận. Tôi bất giác nghĩ, chắc đã tới lúc dừng làm nghề nông nghiệp”.

Năm 2018, chị Hè giảm dần quy mô dịch vụ và tạm ngưng hoạt động để chuẩn bị quay về miền Nam. Nhưng chuyến thăm Hàn Quốc cuối năm đó lại mở ra chương mới cho Sài Gòn Kim Hồng. Ban đầu, chị chỉ định đi chơi, không có ý định tham gia vào công việc. Vậy mà chị lại bắt gặp trưng bày máy sạ lúa theo cụm tại hội chợ máy nông nghiệp Hàn Quốc.

  • Người đầu tiên đưa máy sạ cụm về Việt Nam

Cơ giới hóa gieo sạ trong sản xuất lúa có nhiều ưu điểm, được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) và các chuyên gia đánh giá là yếu tố thay đổi cục diện canh tác lúa ở ĐBSCL. Cụ thể, máy sạ cụm phân bố hạt đồng đều, 5-7 hạt/khóm vào vụ đông xuân và 8-10 hạt/khóm vào vụ hè thu. Trung bình, sạ cụm giúp giảm 50-60% lượng hạt giống sử dụng (sạ cụm sử dụng 40-60kg/ha so với sạ lan 120-150kg/ha).

Việc giảm lượng hạt giống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giảm chi phí vật tư nông nghiệp kèm theo như phân bón vô cơ, thuốc BVTV; lượng đạm giảm 10-20% so với sản xuất đại trà. Ở ĐBSCL, nông dân có thói quen xịt thuốc bảo vệ thực vật, tới 5-7 lần/vụ; sạ cụm chỉ cần phun 2-3 lần/vụ. Nhờ những lợiày, năng suất lúa tăng, cây lúa khỏe, không bị đổ ngã; đất khỏe, bón ít phân nên phát thải khí nhà kính giảm.

Tuy nhiên, vào giai đoạn khởi đầu năm 2019, Sài Gòn Kim Hồng chưa bán được nhiều máy sạ cụm do sự hoài nghi của người dân. “Có lần sau khi trình diễn ở ruộng, máy vừa lên đầu bờ, nông dân đã xuống ruộng sạ thêm. Họ thấy máy sạ cụm ít hạt giống quá, lo thất thu. Cũng chạnh lòng và buồn lắm, nhưng tôi thuộc dạng ‘lì’. Vậy mới tồn tại được trong ngành nông nghiệp”, nữ giám đốc bật cười.

Để thuyết phục nông dân, Sài Gòn Kim Hồng miệt mài đi trình diễn trên ruộng ở nhiều địa phương, dù không phải nơi nào cũng nồng nhiệt đón nhận kỹ thuật mới. Trải qua những năm đại dịch Covid-19, doanh nghiệp nhỏ của chị Hè vẫn đứng vững, mở rộng phạm vi hoạt động. Đầu năm 2020, Sài Gòn Kim Hồng đồng hành cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty CP Phân bón Bình Điền, triển khai 60 mô hình “Canh tác lúa thông minh” khắp các địa phương ở ĐBSCL.

Nữ giám đốc nhớ lại: “Không phải là người biết lắp con ốc hay hiểu về máy móc, nhưng nghề đã dạy cho tôi nhiều điều. Đi làm nhiều mô hình, tôi học hỏi thực tế từ người nông dân. Tôi không ngần ngại lắng nghe ý kiến của họ và coi đó là cơ hội để cải tiến máy sạ cụm, sao cho phù hợp với yêu cầu sử dụng ở vùng ĐBSCL. Thực tế Sài Gòn Kim Hồng có được các mẫu máy sạ cụm hoàn hảo như ngày hôm nay có công sức đóng góp không nhỏ từ bà con nông dân”.

Chị Như Hè cho rằng, giờ đây nhận thức người nông dân đã có nhiều thay đổi. Ngày trước, thất bại đối với chị là sau khi trình diễn sạ, người dân xuống ruộng sạ thêm. Nông dân ngờ vực: “Sạ thưa thế này thì lấy gì mà ăn?”. Nhưng bây giờ, họ hiểu rõ hơn về máy sạ cụm, thậm chí có lúc chê “Thế này là sạ dày quá!”.

Một lần khác, nông dân gọi điện hỏi chị Hè cách khởi động máy sạ cụm. Qua điện thoại, chị giải quyết vấn đề cho họ, người dân rất vui mừng.

“Những tương tác như vậy giúp xây dựng lòng tin từ cộng đồng và tạo động lực cho Sài Gòn Kim Hồng tiếp tục phát triển”, nữ giám đốc bày tỏ.

  • Các doanh nghiệp cùng bà con canh tác thông minh

Điền, Công ty TNHH Bayer Việt Nam, và mới đây là Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice), thiết lập mạng lưới canh tác lúa thông minh. Mạng lưới có nhóm tư vấn cấp cao với nhiều đóng góp trong canh tác lúa ở ĐBSCL như GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, PGS.TS Mai Thành Phụng, TS Hồ Văn Chiến, TS Bùi Văn Kịp, ThS Ngô Văn Đây…

Mô hình hợp tác này được cho là cách làm khoa học, có hệ thống, lấy người nông dân làm chủ thể của sự phát triển. Cụ thể, nếu hợp tác xã gặp bất cứ vấn đề nào trong quá trình canh tác lúa, doanh nghiệp sẽ mời chuyên gia tới địa phương tư vấn, hỗ trợ. Nông dân được hướng dẫn sạ thưa, sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, cơ giới hóa toàn bộ, đảm bảo chất lượng hạt gạo đáp ứng các nhu cầu từ thị trường.

“Mạng lưới hoạt động rất tích cực, các doanh nghiệp tham gia đều sẵn lòng làm việc cùng nhau. Tôi nghĩ đây là điều hiếm có, vì thông thường, các doanh nghiệp chỉ tập trung tự quảng cáo sản phẩm, mà không thấy rằng, họ chỉ là một phần rất nhỏ trong hệ thống lớn hơn”, chị Hè nhận định.

Hiện nay, 4 doanh nghiệp đã tụ họp, phối hợp nhuần nhuyễn, mô hình sẵn sàng mở rộng và lan tỏa, không chỉ khu vực ĐBSCL mà sang cả nước bạn Campuchia, được phía bạn đánh giá rất cao. Trong đó, Bình Điền chịu trách nhiệm về kỹ thuật bón phân đúng. Bayer Việt Nam hướng dẫn phun thuốc BVTV an toàn, có kiểm soát. Sài Gòn Kim Hồng cung cấp máy móc, dịch vụ từ khâu gieo sạ, phun thuốc, bón phân, làm cỏ, sau thu hoạch… Còn Vinarice tư vấn về giống lúa sử dụng và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đảm bảo chất lượng.

“Bốn doanh nghiệp chúng tôi đã thiết lập một quy chế rõ ràng: Sau khi nông dân sử dụng sản phẩm “4 Nhà” cung cấp, lúa do họ sản xuất sẽ được đo lường, báo cáo, thẩm định, kiểm tra dư lượng các chất hóa học… Quy trình này mang lại sự minh bạch và trách nhiệm cho cả doanh nghiệp và nông dân”, Giám đốc Sài Gòn Kim Hồng nhấn mạnh.

Nếu có bất kỳ vấn đề nào xuất phát từ sản phẩm, ‘4 Nhà’ hoàn toàn chịu trách nhiệm, giữ uy tín với người nông dân. Điều này giúp bảo vệ cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, tránh được tình trạng sản phẩm bị từ chối khi xuất khẩu.

Chị Hè phân tích: “Chúng tôi đã đặt ra quy trình này từ đầu với niềm tin rằng, mỗi bước trong quá trình sản xuất đều phải có người chịu trách nhiệm. Như vậy thì người tiêu dùng, nông dân và doanh nghiệp cùng an tâm.

Về phía doanh nghiệp đầu tư, chúng tôi luôn muốn sản phẩm của mình đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của thị trường. Nếu mọi người đều làm tốt trách nhiệm của mình, từ chính quyền, truyền thông đến nông dân, doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng mô hình này sẽ đạt được thành công lớn”.

  • Cơ giới hóa gieo sạ giúp nông dân tăng thu nhập đáng kể

Giám đốc Sài Gòn Kim Hồng tính nhanh bài toán kinh tế: Cơ giới hóa giúp tiết kiệm khoảng 60kg giống/ha so với sạ lan. Trong năm đầu tiên triển khai Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL, nếu đặt mục tiêu củng cố, cơ giới hóa toàn bộ 180.000 ha vùng Dự án VnSAT, sẽ giảm chi phí hạt giống đáng kể. Với giá giống trung bình hiện nay xấp xỉ 16.000 đồng/kg, tổng số tiền tiết kiệm được là khoảng 173 tỷ đồng. Với khoảng 41.000 hộ dân tham gia Dự án VnSAT, trung bình mỗi hộ tiết giảm chi phí riêng khoản giống được 4,2 triệu đồng trong năm đầu tiên.

“Đấy là chưa kể giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Số tiền này có thể được sử dụng để đầu tư máy móc công nghệ cao”, nữ doanh nhân phân tích.

Bàn về kế hoạch sản xuất máy trong tương lai, chị Như Hè chia sẻ một số ý tưởng giúp nông dân giảm thất thoát lúa sau thu hoạch.

Nhận thấy nhiều máy gặt đập liên hợp chưa được tối ưu hóa với điều kiện đất đai ở ĐBSCL, nhóm cơ khí Sài Gòn Kim Hồng sẽ tính toán nhập về loại máy gặt có khả năng cắt sát gốc, tuốt ngọn cây lúa.

Một trọng tâm khác của công ty là máy sấy mini nhỏ gọn, di động, giá rẻ cho mọi nhà nông. Loại máy này có thể đặt ở đầu bờ ruộng, lúa gặt xong được xử lý sớm, thời gian bảo quản kéo dài lâu hơn 2-3 ngày. Hoặc loại máy sấy di động sẽ được thiết kế gọn nhẹ, đặt vừa trong ghe chở lúa, giúp nông dân xử lý lúa trước khi tới nhà máy chế biến.

 “Điều này xuất phát từ nhận thức rằng nếu không có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, lúa sẽ khó mà được xử lý sấy khô, đặc biệt là khi có lượng lớn như 5 tấn, 7 tấn, hoặc 10 tấn. Nếu nông dân tự làm chủ trong khâu này, họ sẽ không còn phải phụ thuộc vào doanh nghiệp để phơi khô lúa của mình. Lúa tươi sau khi gặt được xử lý tại ruộng, tránh mất giá, giảm chất lượng”, chị Hè phân tích.

Giám đốc tin rằng thiết bị máy sấy mini sẽ giúp nông dân chủ động hơn, không cần phải chịu áp lực từ thương lái, doanh nghiệp. Với những cải tiến không ngừng, chị Như Hè hy vọng đời sống người trồng lúa ngày một nâng cao, gia tăng sản xuất, áp dụng cơ giới hóa hiện đại để đỡ vất vả.

 

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đường đến công ty
Gọi trực tiếp
Chat ngay
Chat trên Zalo